Nét đặc trưng trong văn hóa Hàn Quốc

1. Gặp gỡ và chào hỏi

·          Người Hàn Quốc rất chú trọng đến thái độ và cử chỉ khi chào hỏi. Nụ cười và động tác gập lưng không thể thiếu trong văn hóa chào hỏi ở Hàn Quốc. Do sự thâm nhập của văn hóa phương Tây và sự phát triển của xã hội hiện đại mà ngày nay người ta có thể thay động tác gập lưng bằng cái cúi đầu nhẹ. Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt trang trọng hoặc thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi, người có chức vụ cao trong xã hội thì động tác gập lưng vẫn đặc biệt được coi trọng.

·         Người Hàn Quốc thường đánh giá cao những nỗ lực của người nước ngoài khi cố gắng bày tỏ lời chào bằng chính ngôn ngữ Hàn Quốc: “an-nhon-ha-sae-yo” (xin chào).

2. Văn hóa làm việc và kinh doanh

·         Giới thiệu theo đúng nghi thức: Người Hàn Quốc luôn muốn cộng tác làm ăn với những người họ quen biết. Vì vậy bạn nên có một người trung gian giới thiệu bạn với chính đối tác Hàn Quốc đang muốn cộng tác làm ăn. Vị trí trong xã hội của người trung gian càng cao thì cơ hội kết giao làm ăn của bạn với đối tác Hàn Quốc càng lớn.

·         Xây dựng mối quan hệ: Bạn có thể tạo dựng những mối quan hệ với người Hàn Quốc thông qua những cuộc hội họp thân mật giữa các thành viên, tại những buổi tiệc rượu/bữa ăn. Quan trọng là tại những buổi tiệc đó luôn có sự tham dự của các đối tác kinh doanh. Hãy nhớ rằng người Hàn Quốc không ngần ngại bàn bạc công việc ngay tại bữa ăn trưa.

  • Giao tiếp ứng xử: Trong những buổi họp nhóm và những bữa tiệc, không nên tự giới thiệu mình trước mọi người, tốt nhất bạn nên có một người bạn đi cùng để giới thiệu bạn với những người khác. Khi ngồi ở những chỗ đông người, đàn ông nên chú ý đặt mũi giầy của mình chúc xuống và không nên vắt hai chân lên nhau trước mặt người khác. Khi gặp người lớn tuổi, bạn nên dành ra vài phút để thăm hỏi họ. Tốt nhất bạn nên ca ngợi về sức khỏe của họ.
  • Hẹn gặp trong kinh doanh: Giờ làm việc thường từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ thứ 2 đến thứ 6. Thời gian thích hợp nhất để gặp mặt đối tác là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều. Tránh xếp lịch hẹn vào khoảng từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 vì người Hàn thường có 01 tuần đi nghỉ vào thời gian này trong năm.
  • Đàm phán trong kinh doanh: Trong quá trình đàm phán, một số người Hàn Quốc sẽ liên tục chuyển chủ đề, tốt nhất bạn nên chú ý đến những điểm quan trọng. Những người giao dịch khác nhau trong cuộc đàm phán sẽ đưa ra rất nhiều câu hỏi, vì vậy điều quan trọng là phải kiên nhẫn lắng nghe. Nếu bạn bị lẫn lộn về những điều khoản trong đàm phán, bạn có thể nhẹ nhàng hỏi lại họ.

3. Văn hóa tặng quà

  • Quà tặng thể hiện rất lớn về mối quan hệ ngoại giao thân hữu tại Hàn Quốc và nó luôn luôn được đáp lại.
  • Số 04 được cho là con số không may mắn. Vì vậy quà tặng của bạn không được là bội số của 4.
  • Số 7 là con số may mắn.
  • Giấy gói quà màu đỏ và vàng được sử dụng phổ biến ở Hàn Quốc. Không nên gói quà bằng giấy màu xanh lá cây, trắng hoặc đen. Quà tặng đảm bảo được gói tinh tế và sắc sảo.
  • Trao và nhận quà bằng cả hai tay.
  • Không nên mở quà ngay trước mặt người tặng. Tuy nhiên, bạn cũng nên hỏi xem liệu bạn có thể mở quà ngay không.

 

4. Văn hóa ẩm thực

·         Bữa ăn truyền thống của Hàn Quốc gồm nhiều món. Cơm vẫn là món ăn chủ đạo. Kim chi là món ăn không thể thiếu trong mọi bữa ăn. Thịt bò nướng lửa (Pulgogi), sườn heo, sườn bò nướng (Kalbi), Gà hầm nhân sâm (Sam-kopsal) cũng là các món ăn tiêu biểu của Hàn Quốc.

 

          Bữa tối truyền thống nhiều món

 

·         Người lớn tuổi nhất hoặc người quan trọng nhất là người được phép bắt đầu bữa ăn. Người lớn nhất sẽ được phục vụ đầu tiên.

 

5. Trang phục

  • Hanbok là trang phục truyền thống của người Hàn Quốc, tượng trưng cho nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Hàn Quốc. Sự hài hoà trong các đường may thẳng và uốn lượn của Hanbok ngụ ý thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên sâu sắc. Đồ trang sức đi kèm không thể thiếu khi mặc Hanbok là trâm cài đầu và hoa tai.

·         Trang phục truyền thống Hanbok thường được mặc vào những dịp lễ, Tết (Tết âm lịch Tết Trung thu Chuseok và các ngày lễ của gia đình).

Hanbok truyền thống của Hàn Quốc

 

6. Phong tục các dịp lễ tết

·         Tết cổ truyền Seollal: Seollal là ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch. Vào ngày này, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc sum họp. Họ mặc bộ Hanbok và tiến hành những nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau các nghi lễ đó, những thành viên trẻ trong gia đình sẽ cúi chào các bậc cao niên theo truyền thống (gọi là phong tục Sabae).

Sebae là phong tục người trẻ tuổi hơn cúi lạy các bậc cao niên

đáng kính để chúc mừng năm mới

Câu chúc tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “Sae hae bok mani bak tu sae yo”, có nghĩa “cầu chúc năm mới nhiều phúc lành”.

  • Tết Đoan ngọ Dano (05/5)

Dano là một trong ba lễ hội truyền thống lớn nhất của Hàn Quốc cùng với Tết Nguyên Đán Seollal và Tết trung thu Chuseok. Dano diễn ra vào thời điểm bắt đầu của mùa hè và là Ngày cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu.

Trong lễ Dano người phụ nữ thường gội đầu bằng một loại lá đặc biệt mà người ta gọi là lá mống mắt (gọi là Changpo) với ý nghĩa là hy vọng tránh được tai ương, rủi ro.

  • Tết Trung thu Chuseok (15/8)

Lễ hội Trung thu Chuseok cũng là dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc. Đó là lễ hội tạ ơn đối với những vụ mùa bội thu. Lễ hội thường được kéo dài 3 ngày. Theo thông lệ, mọi người thực hiện các nghi lễ thờ cúng cổ xưa vào sáng sớm.

Một trong những món ăn chính được chế biến và thưởng thức trong lễ Chuseok là Song-py-eon, một loại bánh làm từ gạo có hình lưỡi liềm, được hấp cùng lá thông.

(Theo Sở Ngoại Vụ Đà Nẵng. Minh Dung – Tổng hợp từ các nguồn: Wikipedia, chinhphu.vn, vietnamese.korea.net, duhochanquoc.edu.vn ).